Lâm Đồng: Lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới

 675 lượt xem
Thực hiện Phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” do Tỉnh phát động, nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Qua các phong trào thi đua đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều gương điển hình sản xuất giỏi, làm giàu, giảm nghèo bền vững, phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ… xuất hiện và đã được tổng kết, nhân rộng. 

Đi lên từ những khó khăn 
10 năm qua, tích cực hưởng ứng và tham gia Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa Lâm Đồng trở thành lá cờ đầu của khu vực Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới.
Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng được chọn là 1 trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã nông thôn mới (xã Tân Hội, huyện Đức Trọng). Khi đó, Lâm Đồng có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Kinh tế phát triển còn hạn chế nhất định, GRDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng, chỉ bằng 88% bình quân cả nước. 
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo Tỉnh đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể; từ đó xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, với quyết tâm chính trị rất cao. Tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng nguồn lực huy động cho chương trình giai đoạn 2010 - 2019 là 52.692 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 7.236 tỷ đồng, chiếm 13,73%; vốn tín dụng 43.000 tỷ đồng, chiếm 81,6%; vốn các tổ chức, doanh nghiệp 701 tỷ đồng, chiếm 1,33%; vốn cộng đồng dân cư đóng góp 1.756 tỷ đồng, chiếm 3,34%.
Kết quả thực hiện các mục tiêu Chương trình nông thôn mới đều vượt trội so khu vực và bình quân chung cả nước về tỷ lệ số xã đạt chuẩn, số tiêu chí bình quân và tỷ lệ xã dưới 10 tiêu chí. Đến tháng 8/2019, toàn tỉnh có 90/116 xã (chiếm 77,6% xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2020 có 109/116 xã (chiếm 94%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 
Đặc biệt, Lâm Ðồng là tỉnh duy nhất ở vùng Tây Nguyên có huyện Ðơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang cùng bốn huyện trong cả nước thực hiện đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình nông thôn mới. 
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nông thôn Lâm Đồng đã có những đổi thay căn bản và toàn diện. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường. Kết cấu hạ tầng phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của người dân. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.
Nông thôn đổi mới, phát triển bền vững 
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới làm chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Lấy dân làm chủ thể, người dân được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nông thôn mới, từ đó củng cố thêm niềm tin và đồng thuận của nhân dân. Người dân hưởng ứng tích cực, tạo ra nguồn lực to lớn hoàn thành mục tiêu của Chương trình. 
Toàn Tỉnh đã đầu tư được khoảng 1.900 km đường, trong đó xây dựng mới trên 700 km; nâng cấp, sửa chữa 1.200 km; đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 85 cầu lớn nhỏ. 10 năm qua, Lâm Đồng đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 56 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, 150 km kênh mương, 1.700 ao, hồ nhỏ. Cơ sở vật chất trường học các cấp trên địa bàn các xã được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Tính đến nay, toàn tỉnh có 636 trường mầm non, phổ thông công lập các cấp, tăng 86 trường so với năm 2010, trong đó có 393 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của Tỉnh bình quân đạt 8,4%, giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 4,5% và có xu hướng ổn định. Sản xuất nông nghiệp ổn định theo đúng chủ trương tái cơ cấu ngành. Chủng loại nông sản ngày càng đa dạng phong phú, trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tiếp tục phát triển. 
Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản tăng nhanh, năm 2018 đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 65,5% so với năm 2010. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt 56.403 ha, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha, đặc biệt có nhiều mô hình cho giá trị sản xuất trên 1 tỷ đồng/ha. Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 169 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp đôi so với năm 2010. Năm 2018, GRDP bình quân đầu người đạt 59,74 triệu đồng, bằng 102% mức bình quân chung cả nước, tăng 3,1 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,06%.
Chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh, sạch, đẹp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện; đã phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trên các lĩnh vực công tác ở cấp xã và thôn. Đến nay, đã có 100% xã đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự theo quy định.
Nhằm thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương trong giai đoạn tới, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã chủ động nghiên cứu và phối hợp với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (Jica) và Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam (VASS) thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giúp ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng có bước phát triển vượt bậc và hướng đến phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại.
                                                                                                                                                                  Hoài Thanh
 

 
Ý kiến của bạn